Nord FX Promo 2024
XM Broker 2024-04 - Thưởng khuyến mãi
Home » Học Forex » Mô hình Ponzi – Kế hoạch lừa đảo vĩ đại kiếm tỷ USD của Đa cấp tiền ảo và Bất Động Sản (Phần 1)

Mô hình Ponzi – Kế hoạch lừa đảo vĩ đại kiếm tỷ USD của Đa cấp tiền ảo và Bất Động Sản (Phần 1)

Mô hình Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn.

Hiện nay tại Việt Nam các mô hình huy động vốn tiền ảo dựa trên lý thuyết nền tảng là Mô hình Ponzi phát triển và biến tướng không ngừng. Áp dụng Mô hình Ponzi để huy động vốn đã biến biết bao gia đình rơi vào cảnh nợ nần và phá sản. Để rộng đường tìm hiểu và nhận dạng những biến tướng của Đa cấp Ponzi, Tô sẽ cùng bạn tìm hiểu tận gốc rễ về:

  1. Charles Ponzi là ai?
  2. Từ phiếu IRC đến kế hoạch Ponzi vĩ đại
  3. Mô hình Ponzi là gì?
  4. So sánh Mô hình Ponzi và Mô hình Kim tự tháp

Charles Ponzi là ai?

Charles Ponzi
Charles Ponzi

Charles Ponzi sinh ngày 03 tháng 03 năm 1882, mất ngày 18 tháng 01 năm 1949) là một người nhập cư Italia đến Hoa Kỳ và đã trở thành một trong những người lừa đảo siêu đẳng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ponzi là “ông tổ” của các trùm lừa đảo tín dụng đa cấp theo phương pháp Ponzi. Trong vòng 2 năm (1919 – 1920), Ponzi đã huy động được 15 triệu USD một con số khổng lồ vào thời điểm đó từ hàng vạn khách hàng đã bị mất tiền thông qua “kế hoạch Ponzi“.

Dù nhiều người chưa bao giờ nghe tên Ponzi, thuật ngữ “Ponzi scheme” là một sự mô tả được nhiều người biết về một hệ thống các kế hoạch “kiếm tiền siêu nhanh” có tính chất lừa đảo được thực hiện thông qua mạng Internet và những nơi khác cho đến ngày nay.

Bí danh của Charles Ponzi bao gồm Charles Ponei, Charles P. Bianchi, Carl và Carlo.

Cuộc đời của Ponzi xét về khía cạnh tài chính có thể tóm tắt ngắn gọn, xúc tích đầy tính văn học như sau:

Năm 1903, Một thanh niên Ý với 2.5 USD trong túi đến Mỹ trên tàu S.S Vancouvertrên tàu S.S Vancouver. Năm 1920, người này có 15 triệu USD (giá trị tương đương khoảng 150 triệu USD ngày nay) và khi chết thì chỉ còn lại 75 USD. Vâng, đó chính là Charles Ponzi.

Hành trình của Ponzi từ Italy tới Hoa Kỳ

Cuộc đời của Charles Ponzi, ông tổ của trò lừa đảo tín dụng, có thể được viết thành một bộ tiểu thuyết dài. Cha của Ponzi đã nói với Ponzi trước khi lên tàu rằng: “Ở nước Mỹ, các vỉa hè cũng được dát bằng vàng“. Ponzi đã lên đường, nhập cư vào Mỹ và mang theo “Giấc mơ Mỹ” nhưng thực tế quá phũ phàng và không phải như lời cha nói.

Ở nước Mỹ, các vỉa hè cũng được dát bằng vàng.

Sinh ngày 03/03/1882 tại làng Carlo Ponzi, thuộc thị trấn Lugo (tỉnh Emilia-Romagna, Ý), tuổi thơ của Charles Ponzi không được suôn sẻ khi phải làm nghề đưa thư để phụ gia đình kiếm sống. Sau khi tốt nghiệp trung học, Ponzi vào Đại học Rome La Sapienza. Vì không học tập nghiêm tục và liên tục thiếu học phí đã, Ponzi đã nhanh chóng rời khỏi giảng đường đại học.

Sau khi bị đuổi học, Ponzi quyết định đến Mỹ để tìm kiếm một cơ hội.

Năm 1903, được sự khích lệ của cha, Ponzi lên tàu đến Boston (bang Massachusetts, Mỹ) trên con tàu S.S Vancouver khi trong túi chỉ có vỏn vẹn 2,5 USD.

Đặt châm tới Mỹ, việc đầu tiên Ponzi làm là bắt tay vào việc học tiếng Anh và lang thang từ thành phố này qua thành phố khác, làm đủ mọi nghề như rửa bát thuê, bồi bàn… để kiếm sống.

Năm 1907, Ponzi bị đuổi việc vì tội thường xuyên trả thiếu tiền thừa cho khách hàng và ăn cắp vặt. Ponzi tìm đến Montreal (Canada) và trở thành nhân viên hỗ trợ khách hàng tại Banco Zorossi, một ngân hàng mới khai trương của ông chủ Luigi Zorossi. Banco Zorossi chủ yếu phục vụ tín dụng cho cộng đồng Ý mới nhập cư tại đây.

Do lãi suất huy động vốn từ khách hàng lên tới 6% (cao gấp đôi các ngân hàng khác) nên Banco Zorossi phát triển rất nhanh sau khi khai trương.

Sau một thời gian ngắn, Ponzi đã nhận ra Banco Zarossi có khả năng phá sản do những khoản nợ xấu ngày một chồng chất. Hầu hết khách hàng đều vay tiền ngắn hạn để đầu tư vào bất động sản và không kịp đáo hạn. Bên cạnh đó, tiền chi trả lãi suất cho khách hàng không phải từ hoạt động đầu tư mà được rút ra từ những khoản ký quỹ trong các tài khoản mới mở. Khai trương không được bao lâu, Ngân hàng Banco Zorossi vỡ nợ khiến ông chủ Zorossi phải chạy trốn đến tận Mexico.

Trong khi Zorossi cao chạy xa bay, Ponzi ở lại tìm đường trở lại Mỹ để tìm kế sinh nhai. Trong một lần lang thang đến nơi làm việc cũ, Ponzi nhặt được một cuốn séc trắng và nhận thấy đây là cơ hội để có tiền mua vé đến Mỹ. Ponzi đã “tự thưởng” cho mình 423,58 USD và giả chữ ký của ông chủ cũ Zorossi trên một tấm séc.

Cảnh sát Montreal đã nhanh chóng tóm được Ponzi khi y đang sử dụng tấm séc giả trên để thanh toán cho một đống hàng vừa mua. Ponzi đã mất 3 năm trong một nhà tù ở Quebec vì tội danh này. Trong thời gian ở tù, Ponzi viết thư về cho gia đình ở Ý nói rằng y hiện đang làm “trợ lý đặc biệt” cho một nhân viên coi tù ở Canada.

Năm 1911, sau khi ra khỏi nhà tù Quebec, Ponzi quyết định trở lại Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ đã “chào đón” Ponzi bằng 2 năm tù tại Atlanta bởi tội tổ chức nhập cư trái phép cho dân Ý. Sau khi vào tù, Ponzi trở thành phiên dịch viên tiếng Ý cho một quan chức coi tù ở đây, người có nhiệm vụ kiểm duyệt các lá thư bằng tiếng Ý gửi cho tướng cướp khét tiếng Ignazio Lupo đang thụ án ở nhà tù này. Sau một thời gian, Ponzi được trả tự do sớm hơn vì y thuyết phục người bác sĩ trong tù tin rằng y bị ngộ độc bởi ăn phải xà phòng cạo râu.

Sau khi ra tù, Ponzi về lại Boston vì đây là nơi đã thân thuộc với y kể từ ngày đặt chân đến Mỹ. Ponzi làm quen với Rose Gnecco, một cô gái Ý xinh đẹp. Gia đình Rose sau  khi biết chuyện tình của cô đã quyết liệt ngăn cản và cho Rose biết về thân thế của kẻ cô đang yêu say đắm. Tuy nhiên, Rose đã bất chấp mọi ngăn cản của gia đình và kết hôn với Ponzi (1918). Sau khi cưới Rose, Ponzi làm cho một công ty tư nhân và đã nghĩ đến chuyện lập ra những loại hình quảng cáo đa dạng liên quan đến lĩnh vực bưu chính, có thể bán được cho nhiều công ty khác nhau. Đây là ý tưởng mà sau đó các tập đoàn bưu điện Mỹ đã lập ra cuốn niên giám Yellow Pages để bán quảng cáo cho khách hàng. Tuy nhiên, khi ý tưởng của Ponzi chưa thành hiện thực thì công ty nọ phá sản.

Từ phiếu IRC đến kế hoạch Ponzi vĩ đại

Tháng 8.1919, trong thời gian thất nghiệp, Ponzi tìm cách xuất khẩu một tờ tạp chí Mỹ. Ponzi viết thư cho một nhà quý tộc ở Tây Ban Nha kể về ý định kinh doanh của mình và đề nghị ông này cộng tác. Nhà quý tộc Tây Ban Nha viết thư trả lời Ponzi, trong thư có đính kèm một phiếu IRC (coupon) miễn bưu phí quốc tế.

Đây là tấm phiếu IRC đầu tiên mà Ponzi trông thấy.

Ponzi đã nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ mọi điều liên quan đến tấm phiếu này cũng như các quy định về tem thư, hệ thống bưu điện Mỹ và quốc tế. Sau nhiều ngày tìm tòi, Ponzi phát hiện được rằng: tại thời điểm đó, nhiều quốc gia đã sử dụng IRC, tấm phiếu này có giá trị như một tem thư miễn phí mà người nhận được sẽ dùng nó để viết thư trả lời cho người gửi.

Phiếu IRC được bán tại từng quốc gia với giá khác nhau do ngành bưu chính từng nước quy định. Do vậy, sẽ có những khoản tiền chênh lệch lớn nếu mua IRC tại quốc gia có giá rẻ và đem đến quy đổi ra tem thư để bán ở những quốc gia có giá bưu chính cao hơn.

Với tờ IRC được tặng, Ponzi đã đem đổi thành tem thư Mỹ để bán và thấy rằng: tại Mỹ, mỗi tờ IRC sau khi đổi ra tem thư sẽ bán được 6 cent, gấp 6 lần so với giá mua 1 phiếu IRC tại Tây Ban Nha. Phát hiện này đã thay đổi cả cuộc đời đang khốn khó của Ponzi, giúp y trở thành kẻ lừa đảo tín dụng số 1 trong thế kỷ 20, cha đẻ của phương thức tín dụng lừa đảo theo kiểu “kế hoạch Ponzi“.

Sau Thế chiến 1, tình hình lạm phát nghiêm trọng ở Ý đã khiến bưu phí nước này thấp rất nhiều so với tại Mỹ, do vậy những tấm phiếu IRC được mua rất rẻ ở Ý sẽ được đổi thành tem thư tại Mỹ và thu được nhiều lợi nhuận vì được bán với giá cao hơn. Theo tính toán của Ponzi, một tấm IRC nếu mua ở Ý và đem về Mỹ, sau khi trừ đi mọi chi phí, sẽ được một khoản tiền lãi gấp 400%. Đây thực sự là một điều trong mơ cũng không thể thấy với các nhà kinh doanh.

Ngày 26.11.1919, Ponzi đã lập ra công ty giao dịch chứng khoán để thực hiện kế hoạch kinh doanh IRC của mình mà hàng thập kỷ sau người ta vẫn nhắc đến, kế hoạch Ponzi. Theo kế hoạch này, Ponzi cam kết sẽ bắt đầu trả lãi 50% trong số vốn mà họ đã đầu tư sau 45 ngàytrả lãi 100% trong thời hạn 90 ngày.

Tin tưởng ở đề án kinh doanh mới lạ và nghe ra có vẻ hết sức hợp lý này của Ponzi, người dân Mỹ bắt đầu đổ xô vào góp vốn đầu tư cho công ty của Ponzi. Ngày ngày, hàng nghìn người rồng rắn xếp hàng trước văn phòng của Ponzi trên phố School, chờ đến lượt để được nộp tiền đầu tư cho Ponzi và nhận những tấm trái phiếu do công ty của Ponzi phát hành có mệnh giá từ 10 USD đến 50 USD.

Để huy động được tiền bạc nhiều hơn từ khách hàng, Ponzi mở thêm nhiều đại lý với những khoản hoa hồng kếch sù.

Charles Ponzi - Ông tổ của trùm lừa đảo tín dụng đa cấp
Charles Ponzi – Ông tổ của trùm lừa đảo tín dụng đa cấp

Đến tháng 2.1920, Ponzi đã huy động được khoảng 5.000 USD, rồi 30.000 USD và đạt 420.000 USD vào tháng 5.1920. Đến lúc đó, Ponzi đã đầu tư một phần lớn trong số tiền này vào Ngân hàng Hanover Trust với tham vọng rằng y sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này khi có đủ số vốn cần thiết.

Tháng 6.1920, theo tờ Boston Post, Ponzi huy động được khoảng 250.000 USD/ngày, số vốn Ponzi huy động được đã lên tới hàng triệu USD.

Trong những ngày cao điểm, nhân viên của Ponzi không đủ sức làm việc để thu tiền, còn ông chủ Ponzi thì luôn luôn có hàng xấp các tờ trái phiếu trong túi để bán cho khách hàng mỗi khi ra phố.

Trong mấy chục ngày đầu, một số khách hàng chưa nhận được tiền lãi như đã được cam kết. Tuy nhiên, người ta vẫn đổ thêm tiền vào, thậm chí không ít người còn cầm cố nhà cửa để mang tiền đến cho Ponzi. Đến lúc này, Charles Ponzi đã được ngợi ca như một người hùng của cộng đồng Ý tại Mỹ.

“Lấy của Rob để trả cho Paul”

Tháng 6.1920, chuyên gia tài chính Clarence Barron (Mỹ) đã tìm hiểu, điều tra và kết luận rằng Ponzi đã gần như không đầu tư vốn huy động của khách hàng vào việc kinh doanh phiếu IRC.

Số vốn Ponzi đã huy động được khoảng 15 triệu USD, lẽ ra y phải mua khoảng 160.000.000 phiếu IRC để kinh doanh theo như dự án. Tuy nhiên, Ponzi chỉ mới mua khoảng 27.000 phiếu IRC.

Sau đó, Cơ quan Bưu chính Mỹ lại đưa ra quy định mới rằng các loại phiếu IRC không được mua bán với số lượng lớn tại nước Mỹ hoặc mang bên ngoài vào. Trên thực tế, phiếu IRC vẫn được đưa vào nước Mỹ với số lượng rất lớn qua con đường cá nhân.

Trước đó, không phải không có những nghi ngờ về chuyện làm ăn đang đang gây xáo động nước Mỹ của Ponzi bởi vì người ta không thể hiểu được bằng con đường nào mà một kẻ ít học hành, vào tù ra tội và không xu dính túi như Ponzi lại trở thành một triệu phú chỉ trong chốc lát. Tuy nhiên, mọi cuộc điều tra, kể cả từ các báo chí, đều đã bị ém nhẹm bởi Ponzi đã dùng tiền bạc để che giấu được tất cả.

Khi đó, có tin rằng Ponzi còn đang có thêm một dự án đầu tư khoảng 300 triệu USD mua lại một chiến hạm lớn của quân đội Mỹ. Sau khi mua được chiến hạm này, Ponzi sẽ kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư để sửa chữa, nâng cấp để kinh doanh, biến chiến hạm thành khu thương mại, giải trí có một không hai ở nước Mỹ.

Ngày 26.6.1920, đế chế của Ponzi bắt đầu chao đảo khi có vô số khách hàng không nhận được tiền lãi như đã được Ponzi cam kết.

Hàng nghìn người đã vây quanh văn phòng công ty giao dịch chứng khoán của Ponzi để đòi nợ.

Ngay trong ngày đầu tiên, ông chủ Ponzi đã phải đích thân chi trả đầy đủ tiền lãi suất cho khoảng 1.000 khách hàng và trả được khoảng 2 triệu USD tiền lãi cho khách hàng trong 3 ngày liên tục.

Đồng thời Ponzi cũng đưa ra những thông báo trấn an rằng công ty vừa gặp sự cố về tổ chức nên không kịp trả tiền lãi cho khách hàng. Các động thái này của Ponzi đã thu phục được không ít khách hàng, số người phản đối Ponzi ít đi, y lại được tung hô ở một số nơi. Thậm chí, Ponzi còn tuyên bố rằng y đang làm thủ tục mở thêm Công ty Charles Ponzi để đầu tư vào một số ngành công nghiệp trên khắp thế giới.

Tiền bạc lại tiếp tục được đổ vào công ty của Ponzi, thậm chí nhiều khách hàng của Ponzi sau khi nhận được đủ tiền lãi lại nộp tiếp số tiền vừa nhận được để đầu tư cho kế hoạch của Ponzi.

Tuy nhiên, tình trạng bình yên này không kéo dài bởi khách hàng đến đòi nợ mỗi ngày một đông hơn, Ponzi đã phải thuê James McMaster, một nhân viên quan hệ công chúng rất giỏi để trấn an khách hàng trước con bão khủng khiếp này.

Thế nhưng, sau khi nghiên cứu về tình hình kinh doanh, tài chính của công ty giao dịch chứng khoán, McMaster đã quay lưng lại với Ponzi, tuyên bố trên tờ Boston Post rằng Ponzi là một “nhà tài chính ngu dốt” và cung cấp cho tờ này toàn bộ thông tin nội bộ về kế hoạch Ponzi. Sau này đã có tin rằng tờ Boston Post đã phải trả 5.000 USD cho McMaster để đổi lấy những thông tin trên.

Ngày 2.8.1920, tờ Boston Post đã giật tít lớn trên trang nhất về tình trạng đang đứng trên bờ vực sụp đổ của công ty giao dịch chứng khoán. Ngày 10.8, cảnh sát liên bang đã đột kích khám xét văn phòng của công ty nhưng chỉ phát hiện được một số lượng nhỏ phiếu IRC tại đây.

Các khách hàng có mặt tại công ty của Ponzi lúc đó đã xô xát với cảnh sát. Họ không muốn thấy con nợ của họ được vào nhà tù để thoát nợ. Ngày 13.8, Ponzi bị bắt với cáo buộc đã phạm phải 86 tội danh về lừa đảo.

Theo các nguồn tin công khai, có tới 40.000 người đã đầu tư khoảng 15 triệu USD cho “kế hoạch Ponzi”.

Ngân hàng Hanover Trust cũng bị đóng cửa ngay sau đó. Sau khi Ponzi bị bắt, người ta mới hiểu được phương thức lừa đảo hết sức tinh vi nhưng lại xuất phát từ một nguyên lý vô cùng đơn giản của y theo kiểu “lấy của Rob để trả cho Paul“.

Theo lời Ponzi, chẳng có mấy ai lại không lóa mắt với đồng tiền trước mắt mình. Do vậy, khách hàng, “nạn nhân” thứ hai sẽ bị mờ mắt khi họ trông thấy số tiền lãi lớn mà người thứ nhất đã nhận được một cách quá dễ dàng mà không thể biết rằng đây chính là tiền của chính họ, rồi kế tiếp là những người thứ ba, thứ tư… Phương thức lừa đảo này đã hoành hành khắp thế giới từ thời Ponzi đến nay.

Chẳng có mấy ai lại không lóa mắt với đồng tiền trước mắt mình

Charles Ponzi

Mô hình Ponzi là gì?

Mô hình Ponzi là một dạng lừa đảo tín dụng huy động vốn theo hình thức đa cấp lấy tiền huy động của người góp vốn sau để trả lãi cho người góp vốn trước đó. Người huy động vốn cam kết trả mức lãi suất cao cho nhà đầu tư và quảng cáo về những nhà đầu tư đã nhận lãi suất cao trước đó. Thậm chí Mô hình Ponzi sẵn sàng trả mức hoa hồng cao cho những nhà đầu tư giới thiệu được nhà đầu tư khác vào hệ thống Ponzi.

Mô hình Ponzi hoạt động như thế nào?

Mô hình Ponzi là một dạng lừa đảo tín dụng huy động vốn theo hình thức đa cấp lấy tiền huy động của người góp vốn sau để trả lãi cho người góp vốn trước đó. Người huy động vốn cam kết trả mức lãi suất cao cho nhà đầu tư và quảng cáo về những nhà đầu tư đã nhận lãi suất cao trước đó. Thậm chí Mô hình Ponzi sẵn sàng trả mức hoa hồng cao cho những nhà đầu tư giới thiệu được nhà đầu tư khác vào hệ thống Ponzi.

Schemer – Kẻ chủ mưu trong Kế hoạch Ponzi là ai?

Là người thiết lập hệ thống Mô hình Ponzi và kêu gọi những nhà đầu tư đầu tiên tham gia hệ thống.

Investors – Nhà đầu tư trong kế hoạch Ponzi bao gồm những ai?

Là những cá nhân sẵn sàng bỏ tiền vào hệ thống Ponzi với mong muốn có khoản lãi suất cao mà… không phải làm gì.

Ponzi Introducing Investor trong kế hoạch Ponzi có nhiệm vụ gì?

Ponzi Introducing Investor là những người chỉ bỏ rất ít tiền hoặc thậm chí không bỏ bất cứ một đồng tiền nào để tham gia hệ thống Ponzi. Lợi nhuận của Ponzi Introducing Investor đến từ việc giới thiệu được nhà đầu tư tham gia hệ thống. Số tiền Schemer trả cho PII được lấy từ chính khoản tiền của nhà đầu tư mà PII giới thiệu.

Mô hình Ponzi - Kế hoạch lừa đảo vĩ đại kiếm tỷ USD của Đa cấp tiền ảo và Bất Động Sản
Mô hình Ponzi – Kế hoạch lừa đảo vĩ đại kiếm tỷ USD của Đa cấp tiền ảo và Bất Động Sản

Để Mô hình Ponzi có thể tồn tại và sống sót được bắt buộc phải có một dòng tiền liên tục chảy vào hệ thống. Đó cũng chính là lý do các Schemer – Kẻ chủ mưu phải liên tục thúc đẩy hệ thống và thậm chí tổ chức các buổi hội thảo để hút dòng tiền tránh Vỡ hệ thống.

Khi khối lượng nhà đầu tư đủ lớn những kẻ chủ mưu sẽ có thể đào tẩu mang theo số tiền kếch sù bỏ mặc nhà đầu tư thua lỗ và không biết đòi tiền ở đâu.

Với Mô hình Ponzi được Mô tả phía trên các bạn mới nhìn thấy được Ba yếu tố để hình thành hệ thống:

PONZI INTRODUCING INVESTOR – PII là một mắt xích trong Hệ thống Ponzi hiện đại mà Tô tự định nghĩa và thêm vào để các bạn dễ hiểu hơn.

So sánh Mô hình Ponzi và Mô hình Kim tự tháp

Có nhiều người hỏi vậy thì Mô hình Ponzi khác gì với Mô hình đa cấp theo dạng kim tự tháp đang biến tướng ở Việt Nam trong những năm gần đây?

Về bản chất, Mô hình Ponzi gần giống với Mô hình Kim tự tháp nhưng bảng so sánh dưới đây, Tô sẽ nêu ra bản chất của từng Mô hình để các bạn tiện đường so sánh:

So sánh Mô hình Ponzi và Mô hình đa cấp Kim tự tháp (Pyramid)
So sánh Mô hình Ponzi và Mô hình đa cấp Kim tự tháp (Pyramid)

Như vậy, chúng ta thấy được Mô hình Ponzi và Mô hình Pyramid đều có đặc điểm chung là:

  • Hoạt động theo phương thức đa cấp
  • Sử dụng tiền của người đến sau để trả cho người đến trước.
  • Những người thiết lập mô hình và duy trì mô hình là những người không bỏ đồng vốn nào nhưng lại là những người lừa đảo được nhiều tiền nhất.
  • Những người thua lỗ hoặc mất tiền là những người thực sự bỏ tiền tham gia hệ thống.
  • Mô hình sụp đổ khi Schemers – Những kẻ chủ mưu đã lừa đủ số tiền và bắt đầu xây dựng hệ thống khác để tiếp tục lừa đảo.

Đây là phần đầu tiên trong loạt bài Tìm hiểu sâu về Mô hình Ponzi là gì? Cách là những kẻ chủ mưu áp dụng và thực thi kế hoạch Ponzi để lừa đảo nhà đầu tư thông qua hệ thống tiền ảo và Bất Động Sản hiện đại.

Mời các bạn cùng thảo luận và đón đọc phần thứ hai vạch trần âm mưu chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư của các Hình thức huy động vốn từ đa cấp tiền ảo áp dụng Mô hình Ponzi.

Bài viết độc quyền từ Webiste Tô Triều! Vui lòng không copy dưới bất kỳ hình thức nào!

XM Broker - Crypto Bonus Promo 2023
Scroll to Top