Lừa Đảo Đa Cấp 4.0 ngày càng biến tướng tinh vi hơn với quy mô lớn hơn. Các vụ CẢNH BÁO lừa đảo đa cấp 4.0 ngày càng nhiều, nhưng về mặt pháp lý chưa hề có một vụ nào bị khởi tố vì thiêu các quy định và các luật điều chỉnh cụ thể.
Những kẻ thực hiện hành vi lừa đảo đa cấp vẫn đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và tiếp tục đi lừa đảo hết người này đến người khác.
Quy mô các vụ lừa đảo đa cấp 4.0 ngày một lớn khi số người lừa đảo đã lên tới hàng vạn người mỗi vụ và số tiền bị lừa đảo lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Làm sao để nhận dạng lừa đảo đa cấp 4.0 và cách phòng tránh thế nào, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây:
1. Kinh Doanh Đa Cấp Là Gì?
Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị Định Số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức Đa Cấp:
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị Định Số 40/2018/NĐ-CP
Có rất nhiều điều bị CẤM trong hoạt động kinh doanh đa cấp trong đó, Tôi liệt kê ba điểm quan trọng được đề cập trong Nghị Định Số 40/2018/NĐ-CP:
Điều 5. Những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
c) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích khác từ việc giới thiệu người khác tham gia hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người giới thiệu đó.
2. Ông Tổ Nghề Kinh Doanh Đa Cấp Là Ai?
Nguồn gốc của phương thức bán hàng đa cấp hay còn gọi kinh doanh theo mạng lưới (multi-level marketing – MLM) gắn liền với tên tuổi của Nhà Nghiên cứu Dinh dưỡng người Mỹ – Carl Rehnborg. Ông được xem là cha đẻ của một ngành kinh doanh có triển vọng nhất trong thế kỷ 21 bởi đã phát minh và nhân rộng ý tưởng tiếp thị mạng lưới vào trong cuộc sống.
Carl Rehnborg sinh năm 1887 tại St. Augustine, bang Florida, Hoa Kỳ, là con trai của một nhà kinh doanh kim hoàn người Mỹ gốc Thụy Điển. Ông khởi hành đến Trung Quốc vào năm 1915 và dành phần lớn thời gian cuộc đời mình tại đất nước này, và cũng chính nơi đây đã tạo cho ông cảm hứng về việc bổ sung dinh dưỡng từ thực vật.
Trong suốt thời gian sinh sống và làm việc tại Trung Quốc, ông đã rất ấn tượng với sự hiểu biết toàn diện về văn hoá và y học cổ truyền của người Trung Quốc. Ông quan tâm đến sự cân bằng – trong triết lý Trung Quốc về âm và dương.
Với óc quan sát nhạy bén, Carl phát hiện ra sức khỏe con người phụ thuộc vào chế độ ăn phối hợp từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, và trong cây cỏ thiên nhiên tồn tại rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe con người. Điều này có thể được nhìn thấy trong triết lý của ông về chế độ ăn uống cân bằng giữa việc sử dụng thực phẩm bổ sung cũng như nhận thức về sự cân bằng giữa con người và vũ trụ mà ông đã viết rất nhiều trong suốt cuộc đời sau này của mình.
Những ý tuởng của ông về sản phẩm bổ sung dinh duỡng được làm từ nguyên liệu thực vật được hình thành không chỉ trong một ngày mà là kết quả của nhiều năm quan sát và trải nghiệm.
Năm 1927, Carl về Mỹ và bắt đầu thực hiện các ý tưởng của mình bằng cách chế biến các chất bổ sung dinh dưỡng. Các chất này có tác dụng bổ trợ cho sức khỏe con người. Ban đầu, do chưa có kinh phí để tiếp thị sản phẩm, ông đưa ra một ý tưởng mà đó có thể là nguyên lý cơ bản cho ngành kinh doanh theo mạng sau này.
Carl Rehnborg đề nghị các bạn và người thân của ông giới thiệu các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng này cho người quen của họ, và nếu người quen của họ mua sản phẩm thì ông sẽ trả một khoản hoa hồng cho người giới thiệu. Cứ thế, với mô hình một giới thiệu hai, hai giới thiệu bốn, năm…hàng hóa càng bán được nhiều, những người giới thiệu càng có lợi. Khi mô hình này được triển khai, chính Carl Rehnborg cũng không thể ngờ được kết quả thành công ngoài sức tưởng tượng.
Đây chính là thời điểm đánh dấu sự ra đời của ngành kinh doanh theo mạng – Kinh doanh đa cấp.
Carl Rehnborg sáng lập ra công ty Vitamin Products Company năm 1935. Đến đầu năm 1940 ông đổi tên công ty thành Nutrilite Products, Inc. theo tên sản phẩm và vẫn giữ nguyên phương pháp tiêu thụ. Theo đó, những nhà phân phối độc lập của ông tự tìm người mới, chỉ cho người mới đầy đủ thông tin về sản phẩm và hướng dẫn cho người mới phương pháp xây dựng mạng lưới bắt đầu từ những người quen của mình. Từ đó, mô hình lan rộng, tạo thành đội ngũ phân phối đông đảo và chuyên nghiệp.
Công ty đảm bảo cho tất cả nhà phân phối độc lập có đủ sản phẩm và nhận hoa hồng không chỉ dựa trên số lượng sản phẩm họ bán ra mà còn trả hoa hồng cho lượng sản phẩm do những người trong mạng lưới của họ tiêu thụ được. Những người tham gia mạng lưới của công ty nhận được sự giúp đỡ hướng dẫn tận tình của người bảo trợ. Phương pháp phân phối hàng hoá của Carl Rehnborg được cho là cơ sở của phương thức bán hàng đa cấp ra đời và phát triển.
Sau một thời gian làm việc có hiệu quả với công ty Nutrilite Products, Inc. và chứng kiến sự lớn mạnh vượt trội cũng như sức mạnh to lớn, đầy tiềm năng của mô hình kinh doanh mới mẻ này, hai cộng tác viên của công ty là Rich DeVos và Jay Van Andel đã sáng lập ra công ty riêng của mình mang tên American Way Corporation, viết tắt là Amway.
Hiện nay Amway đã trở thành một trong những công ty bán hàng trực tiếp hàng đầu thế giới hoạt động trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
3. Lợi Nhuận Từ Kinh Doanh Đa Cấp Đến Từ Đâu?
Như vậy, theo luật định thì lợi nhuận từ Kinh doanh Đa cấp đến từ việc các công ty hoạt động kinh doanh đa cấp xây dựng mạng lưới những người bán sản phẩm của công ty. Sau đó Công ty đào tạo để những người tham gia mạng lưới có thể bán được các sản phẩm một cách hiệu quả nhất dựa trên nền tảng các sản phẩm không nằm trong danh mục cấm kinh doanh đa cấp.
Điều quan trọng nhất là sản phẩm phải thực tế, đúng giá, và người tham gia bán hàng với công ty sẽ không phải mua hàng để tham gia vào các công ty đa cấp.
4. Đa Cấp Lừa Đảo Bán Gì?
Ở thời kỳ 1.0, 2.0, 3.0 thì Đa cấp lừa đảo bán các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thực tế như máy khử Ozone, Thực phẩm chức năng…
Lừa Đảo Đa Cấp 4.0 không bán những thứ đó.
Lừa Đảo Đa Cấp 4.0 BÁN GIẤC MƠ LÀM GIÀU SIÊU NHANH.
Hầu hết các hình thức huy động vốn theo Mô hình Ponzi thời 4.0 đều là những biến tướng của Lừa Đảo Đa Cấp 4.0
5. Đa Cấp 4.0 Là Gì?
Đa Cấp 4.0 là hình thức kinh doanh chủ yếu dựa trên các sản phẩm kỹ thuật số, công nghệ cao với các chiêu trò huy động vốn trực tuyến, biến tiền thật thành tiền ảo, sử dụng các ngôn từ gây sốc như Blockchain, Bitcoin, tổ chức các buổi hội thảo hoành tráng để dụ dỗ nhà đầu tư xuống tiền.
6. Quá Trình Phát Triển Lừa Đảo Kinh Doanh Đa Cấp Tại Việt Nam
Kinh doanh Đa Cấp du nhập vào Việt Nam từ rất lâu và bắt đầu nổi lên từ khoảng những năm 2008 – 2010 với một số cái tên điển hình như Thiên Ngọc Minh Uy, Lô Hội, Liên Kết Việt…
Trong đó thì hai cái tên đình đám là Lô Hội và Liên Kết Việt đã bị các cơ quan chức năng khởi tố.
Thiên Ngọc Minh Uy có vẻ như luồn lách rất tốt và vẫn còn trụ lại được.
6.1. Đa Cấp Lô Hội (2006 – 2013)
Trong 4 năm, chỉ tính riêng ở Thái Bình, hơn 15.000 người đã giúp chủ nhân công ty Lô Hội “đút túi” hơn 200 tỷ đồng.
Ngày 8/3/2006, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Lô Hội trụ sở chính ở 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP HCM được Sở Thương mại thành phố cấp “Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp”.
Ngày 1/1/2006 Công ty Lô Hội đã ký hợp đồng với Công ty TNHH thương mại và du lịch Sao Mai (ở địa chỉ số 223, Lê Thánh Tông, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) về việc Sao Mai làm đại lý bán hàng cho Lô Hội ở Hải Phòng và các vùng phụ cận.
Theo kết luận điều tra của công an tỉnh Thái Bình, những người tham gia mạng lưới này chủ yếu thông qua người thân, bạn bè giới thiệu đến Thái Bình tìm hiểu về quy chế bán hàng của công ty.
Nếu họ đồng ý tham gia phải nộp 100.000 đồng để làm thủ tục, ký hợp đồng, làm thẻ và nộp 4.150.000 đồng để mua sản phẩm của công ty mang đi bán. Khi được công nhận là thành viên, họ được cấp mã số nhân viên (quy định là 1cc), nếu phát triển thêm được 1 thành viên khác thì được 2cc.
Người nào từ 2cc trở lên được coi là trợ lý, đến 25cc là giám sát, đến 120cc là quản lý và từ 120cc trở lên là quản lý cao cấp.
Để được hưởng hoa hồng bán hàng cao thì trong 2 tháng liên tiếp, họ phải đạt doanh số bán hàng là 2 chỉ tiêu. Do đó, họ luôn cố gắng mua hàng đi bán hoặc phát triển mạng lưới để được hưởng hoa hồng hoặc hưởng lương khi có cấp chức trong mạng lưới.
Cuộc sống của các nhân viên Lô Hội tại Thái Bình một thời từng gây nhức nhối cho địa phương này và được báo VTC điện tử chỉ mặt – đặt tên rằng đó là CUỘC SỐNG BẦY ĐÀN.
Sống bầy đàn, cơ cực, nghèo khó, nhiều khi phải đi bắt chuột, ếch về ăn qua ngày, yêu tự nhiên như thời nguyên thủy, nạo phá thai, mắc bệnh thèm đàn ông, lừa đẩy cả người thân vào chốn cơ cực như mình… là những gì chúng tôi ghi nhận được khi thâm nhập vào mạng lưới này.
VTC News
Báo VTC cũng mô tả rất sống động về quá trình… “Yêu” giữa mọi người ở Vương Quốc Bầy Đàn Đa Cấp Lô Hội
Sau khi sinh hoạt tập thể xong, mọi người được tự do làm việc cá nhân của mình. Nhóm của tôi có 21 nam và 19 nữ (trong đó có cả tôi) thì hầu như người nào cũng là đôi, là cặp với nhau ở trong phòng.
Anh R. vừa nói chấm dứt trò chơi tập thể, thì rất nhanh chóng, trên các manh chiếu hình thành các đôi riêng lẻ, ngồi sát nhau. Có đôi thì ra ngoài đi dạo, nhưng cũng rất nhiều đôi thì ngồi “tâm sự” ngay trong phòng.
Căn phòng chật hẹp, vì vậy tất cả các hành động “tế nhị” nhất đều được diễn ra tự nhiên như chỉ có 2 người.
Ngay sát sau lưng tôi là một cặp đôi còn rất trẻ, chắc là trẻ nhất phòng vì 2 đứa đều mới chỉ 18 tuổi, hôn hít và sờ soạng nhau rất tự nhiên. Những tiếng xì xào to nhỏ, cười đùa rúc rích râm ran khắp phòng.
Công ty Lô Hội còn được nhắc đến cùng với tên vị thủ lĩnh Diệp Khắc Cường, ông trùm đa cấp từng bị tố là người cầm đầu nhóm iFan kinh doanh tiền ảo đa cấp lừa 15.000 tỷ đồng hồi tháng 4/2018.
6.2. Đa Cấp Liên Kết Việt (2019)
Liên kết Việt đã đặt ra những quy định trái pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp như: Chỉ cần đóng tiền vào công ty mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty. Rồi một người có thể đứng tên nhiều mã hàng.
Giang và các đồng phạm trả thưởng theo mô hình Ponzi, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp.
Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Cùng với việc thuyết trình, quảng cáo tạo lòng tin sai sự thật về công ty Liên kết Việt như trên, Giang cùng đồng phạm còn đưa vào triển khai trên toàn hệ thống 15 chương trình thi đua khuyến mại kích cầu, chạy song hành với việc chi trả hoa hồng…
Rồi đưa ra những khoản khuyến mại lớn như: nộp vào công ty Liên kết Việt 7 triệu đồng sẽ nhận được tiền thưởng lên tới 409 triệu đồng. Nếu lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ nhận được quà thưởng là ô tô trị giá tới 1 tỷ đồng, nhà trị giá 1,8 tỷ đồng, tặng đi du lịch nước ngoài…
Với các chiêu trò được tung ra, đến tháng 11/2015, Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.
6.3. Eagle Rock Global – Đa Cấp 4.0 2020
Eagle Rock Global (ERG) được giới thiệu là Công ty tài chính công nghệ thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC, là kênh đầu tư tài chính đến từ châu Âu.
Nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận với ERG như thế nào?
Nguồn lợi nhuận đầu tiên chính là tiền lãi mà ERG “CAM KẾT” trả hàng ngày với mức lãi từ 6% – 15%/tháng.
Nguồn lợi nhuận thứ 2 đến từ việc giới thiệu nhà đầu tư khác nạp tiền và đầu tư trên ứng dụng ERG.
Ngay sau đó, VTV24 và Bộ Công An đã phát đi cảnh báo về việc Eagle Rock Global lừa đảo và ERG bắt đầu khóa không cho rút tiền. Bất chấp việc các đại lý TỰ PHONG vẫn đi lôi kéo và dụ bán cổ phiếu ERG.
7. Đặc Điểm Chung Của Các Mô Hình Lừa Đảo Đa Cấp
Lừa Đảo Đa Cấp Truyền Thống và Lừa Đảo Đa Cấp 4.0 có rất nhiều đặc điểm chung:
7.1. Bán sản phẩm vô dụng với giá cắt cổ
Lừa đảo đa cấp truyền thống bán các loại sản phẩm vật chất như máy Ozone, thực phẩm chức năng cùng với các lời giới thiệu có cánh và các công dụng cải lão hoàn đồng.
Năm 2018, chúng ta được biết đến Vinaca với các sản phẩm được cho là chữa khỏi ung thư, HIV:
Tôi dùng sản phẩm của Vinaca, Thầy tôi cũng không biết là tôi bị ung thư. Cho đến hôm tôi khỏi rồi, Tôi đi test điện tử thì không còn tế bào ung thư nữa 😀
Bà Nguyễn Thị Quý – Phó Tổng Giám Đốc Vinaca
Có lẽ khi đứng lên chia sẻ, bà Quý vẫn còn đang trong trạng thái… PHÊ THUỐC THAN TRE.
Kết quả là Bị Cáo Nguyễn Xuân Thu – Cựu Tổng Giám Đốc Vinaca bị Tòa tuyên án 22 năm tù giam, bồi thường … 50 triệu đồng.
Gần đây nhất thì ngành hàng Mỹ phẩm cũng được coi là hoạt động kinh doanh đa cấp khi hàng loạt những Đại Lý Kim Cương được tuyển dụng để bán kem trộn, trát lên mặt người khác và làm giàu cho bản thân.
Điều rất thú vị với mô hình Đa cấp mỹ phẩm đó là những kẻ cầm đầu đường dây không lừa khách hàng, những kẻ này đi lừa trực tiếp các đại lý đang làm việc cho chúng.
Đầu tiên, chúng cho phép thành lập đại lý và tiến hành phong chức, phong tước. Sau đó cho bọn lâu la dùng tài khoản Facebook ảo đặt hàng.
Các đại lý bắt đầu mê muội và tưởng rằng kỹ năng bán hàng đã đạt đỉnh cao, nhập mỹ phẩm của những kẻ cầm đầu với số lượng lớn về bán.
Chốt lại quy trì là Đại lý mỹ phẩm BỖNG DƯNG KHÔNG BÁN ĐƯỢC HÀNG NỮA. Ôm lô mỹ phẩm mà dở khóc dở cười vì không có ai mua sau khi đã bán cho hầu hết những người thân trong gia đình rồi khen, feedback, khoe tiền abc…
Lừa đảo đa cấp 4.0 thì ở mức độ cao hơn khi sử dụng thị trường Forex, các loại tiền tệ kỹ thuật số như Bitcoin, Etherum, Litecoin… để lừa đảo
7.2. Phải Mua Sản Phẩm mới được tham gia mạng lưới
Lừa đảo Đa Cấp Truyền Thống
Bằng cách lách điểm a, khoản 1, điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, các Công ty đa cấp lừa đảo theo cách này, hoặc cách khác vẫn bắt buộc những người tham gia phải mua các sản phẩm.
Các buổi hội thảo chủ yếu với mục đích dụ dỗ những người tham dự mua sản phẩm để tham gia mạng lưới chứ không phải được quyền tham gia mạng lưới mà không cần bỏ tiền.
Lừa Đảo Đa Cấp 4.0
Đa cấp 4.0 thì tinh vi hơn. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia dưới dạng Partner mà không phải bỏ bất kỳ một khoản chi phí nào.
Chỉ cần lừa được các người chơi tham gia hệ thống, Những người mang danh Partner – Đại lý sẽ được hưởng hoa hồng phân cấp theo đúng Mô hình Ponzi mà thực chất, số tiền hoa hồng đó chính là khoản tiền từ túi người chơi, chảy sáng túi của nhà cái và đại lý.
7.3. Hoa Hồng Cao
Các Đại lý sẽ được hưởng ngay một mức hoa hồng phân cấp lên tới 75% nếu mồi chài được người chơi tham gia.
Chính vì mức chiết khấu hoa hồng trực tiếp và NGAY LẬP TỨC NÀY, nên những kẻ đã quen với việc làm Đại lý của lừa đảo đa cấp sẽ tăng tốc tối đa đi thu hút và lôi kéo người tham gia để được hưởng hoa hồng trong khoảng THỜI GIAN VÀNG trước khi bị phát hiện lừa đảo và sụp đổ.
7.4. Bán Giấc Mơ Làm Giàu Nhanh
Đặc điểm phổ biến của cả Lừa Đảo Đa Cấp truyền thống và 4.0 đó chính là GIẤC MƠ LÀM GIÀU NHANH cho những đứa trẻ.
Có rất nhiều người, mặc dù thân xác to lớn và tuổi đời cao nhưng suy nghĩ đầu tư vẫn chỉ nhỏ bé như một đứa trẻ.
Tô Triều
Giấc Mộng Giàu Sang mà không phải làm bất cứ việc gì chính là điểm mấu chốt để những kẻ lưa đảo lợi dụng.
Với các mức lãi suất khủng lên tới hàng ngàn phần trăm (1000%) mỗi năm, hứa hẹn về các chuyến du lịch Thái Lan, Singapore….
Và thậm chí: Không làm gì tiền vẫn về, đang ngủ tiền vẫn về, không muốn nhận… thì tiền vẫn chảy vào túi…
Thay vì thừa nhận thực tế:
Không làm thì chỉ bốc cứt mà thôi.
Thì những người chơi chấp nhận ảo giác có tiền mà không phải làm gì từ giấc mộng giàu sang khiến cho tiền trong túi họ chảy sang túi những kẻ lừa đảo.
7.5. Sự Hào Nhoáng Của Đội Ngũ Đại Lý
Những buổi hội thảo hoành tráng
Những cuộc vui chơi xa hoa
Resort đắt tiền
Xe bốn bánh
Khoe tiền
Hay nói đạo lý….
Là những đặc điểm chung của bọn đại lý lừa đảo đa cấp. Chúng hay nói về cơ hội, nhưng đó là cơ hội cho chúng, không phải cơ hội như những lũ cừu!
7.6. Lừa Đảo Đa Cấp 4.0 Có Vòng Đời Ngắn
Thông thường các dự án lừa đảo đa cấp 4.0 sẽ có vòng đời rất ngắn. Từ 3 tháng tới khoảng 1 năm.
Để phát hiện các hình thức lừa đảo kinh doanh đa cấp 4.0 ngoài việc xem xét 5 đặc điểm phía trên, chúng ta có thể nhận dạng ngay bằng cách kiểm tra tên miền.
Đặc điểm của các Website lừa đảo đa cấp 4.0:
- Tuổi đời tên miền rất mới
- Thời hạn mua tên miền chỉ 1-2 năm
- Hiển thị những tính toán về lãi suất và hoa hồng rất cao.
Để kiểm tra thông tin tên miền, các bạn chỉ cần truy cập Website https://who.is và nhập tên miền vào sau đó bấm Lookup:
7.7. Những Kẻ Thủ Lĩnh Của Lừa Đảo Đa Cấp Vẫn Nhởn Nhơ Lừa Đảo
Một đặc điểm chung nữa của các dự án lừa đảo đa cấp đó là những kẻ thủ lĩnh của các vụ lừa đảo đa cấp 4.0 ngày càng lọc lõi.
Chúng không hề bị bắt và khép tội vì không có đủ chứng cứ sau quá nhiều lần lừa đảo.
Chúng vẫn đang nhởn nhơ đâu đó ngoài vòng pháp luật để tiếp tục đến với các dự án lừa đảo đa cấp 4.0 khác và tiếp tục đi lừa người dân Việt Nam, làm giàu cho bản thân.
8. Case Study: Lừa Đảo Dựa Trên Mô Hình Đa Cấp 4.0 Tại Việt Nam
8.1. Hahalolo: Mạng Xã Hội Du Lịch Việt Nam
Ngày 10/6/2019, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hạ ra mắt mạng xã hội Hahalolo, đặt mục tiêu sẽ có 2 tỷ người dùng và niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, Nhưng sau đó các hoạt động diễn ra theo mô hình hội thảo dạy làm giàu, có xu hưởng mở rộng về các tỉnh miền Tây.
Và để hiện thực nó, thay vì phát triển công nghệ hay chăm chút cho sản phẩm dịch vụ, Hahalolo bắt đầu tuyển dụng nhân sự với số lượng khủng, tổ chức các buổi hội thảo để bán cổ phần.
Mặc dù là mô hình kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn trên nền tảng xã hội thế nhưng Hahalolo lại vận hành theo kiểu kinh doanh đa cấp.
Hahalolo đã đăng tuyển số lượng nhân sự “khủng”, 1.000 nhân sự cho năm 2019.
Chưa rõ, cơ cấu tổ chức của Hahalolo ra sao nhưng với một mạng xã hội mới ra đời, Hahalolo sẽ lấy nguồn tài chính ở đâu để trả lương cho số lượng nhân sự lớn như vậy?
Bên cạnh đó, các trang Fanpage hầu hết không tập trung quảng bá về dịch vụ cốt lõi, hiệu quả, tính năng hoạt động… mà Hahalolo phần lớn quảng bá việc mở các chi nhánh, liên tục tổ chức nhiều buổi hội thảo. Đặc biệt, người tham gia phải đăng ký tài khoản, mua cổ phần, phát hành thẻ VIP… Hahalolo đã và đang triển khai hội thảo làm giàu ở rất nhiều vùng nông thôn Việt Nam, với chiêu bài dụ người dân góp tiền đầu tư vào công ty.
Gói VIP cao nhất (VIP5) là $800,000 (tương đương 18,4 tỷ) sẽ được thưởng 10% cổ phần.
VIP1 thì cần bỏ ra $8,000 và phần thưởng cổ phần của bạn là 4%.
Thậm chí Hahalolo còn cho xe khách đón ra người ra tận Hà Nội dự hội thảo rồi ép họ phải ngồi nghe cái cách làm giàu chỉ với việc ngồi không mà đợi hoa hồng từ mạng xã hội này.
Mạng xã hội là dựa trên nền tảng xã hội chứ sao mở lắm chi nhánh làm gì? Tổ chức hội thảo làm giàu làm gì? Bán gói đầu tư làm gì?
Kiểm tra lưu lượng truy cập của hahalolo, chúng ta có thể thấy tham vọng 2 tỷ người dùng so với con số 1350 truy cập mỗi ngày thật thảm hại:
Con số này còn ít hơn cả truy cập mỗi ngày vào Website tohaitrieu.net cơ ahihi!
8.2. WEFINEX: Lừa Đảo Đa Cấp 4.0
WEFINEX đã được Tôi viết rất chi tiết trong bài cảnh báo WEFINEX Lừa Đảo. Bạn có thể đọc lại mà không cần phải viết thêm vào đây
Cả hai hình thức lừa đảo đa cấp 4.0 phía trên đều có đặc điểm chung là đưa ra các gói đầu tư lên tới vài trăm triệu đồng sau đó dùng các cổ phiếu công nghệ hàng đầu như Amazon, Apple… để so sánh rồi tạo ra kỳ vọng GIÀU BẤT NGỜ dành cho nhà đầu tư.
Các sản phẩm mà các Công ty này đưa ra vô cùng mơ hồ, chưa tạo ra lợi nhuận nhưng đã TỰ VẼ RA LỢI NHUẬN SIÊU THỰC để lừa đảo.
Với Wefinex, nhà đầu tư thậm chí còn không được bảo vệ khi Wefinex không phải là công ty có tư cách pháp nhân tại Việt Nam và vì vậy, nhà đầu tư sẽ có nguy cơ mất trắng khi hệ thống này đóng vào một ngày đẹp trời nào đó…
9. Trách Nhiệm Thuộc Về Ai
Trước tiên về mặt pháp lý, mặc dù đã có riêng một nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức Đa Cấp nhưng dường nhưng Nghị định này chưa phản ánh kịp thời sự phát triển và biến tướng của Kinh doanh Đa Cấp, đặc biệt là Đa cấp 4.0
Để các hội thảo hoành tráng với sự tham dự của hàng ngàn, hàng vạn người tại các trung tâm hội nghĩ lớn diễn ra như các hội nghị của Eagle Rock Global, WEFINEX diễn ra công khai mà không hề có bất kỳ sự quản lý nào thì trách nhiệm cũng hoàn toàn thuộc về các cơ quan quản lý của Việt Nam khi họ được trao quyền lực nhưng không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm.
Thứ hai, về phía người tham gia, họ bất chấp rủi ro để chạy theo GIẤC MƠ GIÀU SANG nhanh chóng mà không cần làm gì thì đó cũng là điều hết sức đáng trách.
Để bảo vệ bản thân trước các vụ lừa đảo đa cấp ngày càng tinh vi, Tôi cho rằng các cá nhân khi tham gia bất kỳ hệ thống nào và quyết định chi tiền thì cần:
- Lưu giữ lại hóa đơn, chứng từ nộp tiền
- Hóa đơn, chứng từ phải có chữ ký và con dấu hợp danh của các Công ty được phép hoạt động tại Việt Nam
- Phải chụp lại và có Chứng minh nhân dân ít nhất là bản sao có công chứng của những kẻ nhận tiền
- Quay phim lại hình ảnh giao – nhận tiền đầu tư
Ngay khi có dấu hiệu bị lừa đảo, hãy mang toàn bộ những chứng cứ phía trên tới Cơ quan Công an gần nhất để tố cáo và bảo vệ bản thân.
Việc các bạn làm có thể không giúp các bạn lấy lại được tiền, nhưng sẽ giúp cơ quan công an có chứng cứ để khởi tố những kẻ lừa đảo và phát lệnh truy nã. Đó là biện pháp mạnh nhất chúng ta có thể làm ở thời điểm hiện tại.
Thứ ba, lỗi thuộc về chúng ta khi biết mà im lặng. Bài viết này không đủ nếu như mỗi người đọc xong rồi giữ cho riêng mình, hãy lên tiếng bằng cách chia sẻ để những người xung quanh chúng ta được biết và cảnh giác.
Lao vào kinh doanh đa cấp chưa bao giờ thực sự là một hình thức đầu tư tài chính khôn ngoan! Hãy biết lựa chọn để không vô tình rơi vào bẫy đa cấp nguy hiểm bạn nhé!