Hỗ trợ là gì? Kháng cự là gì? 10 yếu tố tìm SR tốt nhất cho giao dịch

Đăng ngày:

| Cập nhật:

Vùng Hỗ trợ – Support và vùng kháng cự – Resistance là hai thuật ngữ rất quan trọng trong thị trường Forex, chứng khoán, Crypto.

Có rất nhiều bài viết, nội dung chia sẻ về vấn đề này nhưng để hiểu rõ bản chất của Kháng cự, Hỗ trợ và lựa chọn Vùng kháng cự – Vùng hỗ trợ chính xác, chúng ta cần hiểu một vài vấn đề để đưa ra quyết định chính xác.

Ngoài ra Support – Resistance cũng là một trong những tín hiệu bổ xung rất nhiều cho những nhà giao dịch theo trường phái Price Action, sử dụng Mô hình nến Nhật như một chiến lược giao dịch thì Support và Resistance lại càng quan trọng hơn.

Một tín hiệu sẽ không giúp bạn đủ căn cứ và tâm lý tự tin để lựa chọn thời điểm chính xác. Nhưng nếu nhiều tín hiệu cùng xuất hiện thì đó hẳn phải là một thời điểm tốt để ra quyết định vào lệnh.

1. Ý tưởng về hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợ (Support) và Kháng cự (Resistance) là một VÙNG – KHOẢNG GIÁ quan trọng trên biểu đồ giúp nhà đầu tư xác định thời điểm tham gia hoặc thoát khỏi thị trường. Tại các vùng giá này, nhà đầu tư có thể quan sát và theo dõi các hành động, diễn biến của giá cả rất rõ ràng để có quyết định chính xác

Hai dạng biểu đồ giúp nhà đầu tư xác định Hỗ trợ – Kháng cự rất rõ ràng đó là Biểu đồ LineBiểu đồ nến.

Xác định Hỗ trợ - Kháng cự bằng biểu đồ Line
Xác định Hỗ trợ – Kháng cự bằng biểu đồ Line

Biểu đồ Line không thể hiện mức cao – thấp nhất của giá các loại tài sản vì biểu đồ Line dựa hoàn toàn vào giá đóng cửa của chu kỳ thời gian được theo dõi. Việc sử dụng biểu đồ Line sẽ giúp người mới không bị phân tâm bởi các tín hiệu nến Nhật đào chiều từ đó có được góc nhìn KHÁCH QUAN về các vùng giá quan trọng này.

Xác định Hỗ trợ - Kháng cự bằng biểu đồ nến Nhật
Xác định Hỗ trợ – Kháng cự bằng biểu đồ nến Nhật

Khi sử dụng biểu đồ nến Nhật để xác định nếu bạn đã tìm hiểu qua về Price Action – Hành động giá, bạn sẽ dễ đánh mất đi sự khách quan trong việc xác định và phán đoán, nên phải luôn tỉnh táo và cẩn trọng trong từng vùng giá được lựa chọn.

Cản là một thuật ngữ đồng nghĩa khi nói về Hỗ trợ và Kháng cự

2. Tầm quan trọng của Vùng kháng cự và Vùng Hỗ trợ

Vùng Hỗ trợ và vùng kháng cự rất quan trọng trong giao dịch. Độ tin cậy của hai vùng giá này gần như không thay đổi trong hầu hết các thị trường.

Giao dịch với Support – Resistance là phương pháp giao dịch cổ điển và lâu đời nhất còn tồn tại từ thời điểm thị trường được hình thành cho tới hiện tại. Chính vì vậy đại đa số các nhà đầu tư từ mới tới cũ, từ lão luyện tới gà mờ đều sử dụng Hỗ trợ – Kháng cự trong giao dịch của họ biến nó thành trường phái giao dịch phổ biến nhất thế giới khi đầu tư tài chính vào các thị trường Forex, Chứng khoán, Crypto, Vàng, Hàng hoá phái sinh…

Câu chuyện về Hỗ trợ – Kháng cự giống câu chuyện về sự đoàn kết trong video bạn có thể xem dưới đây:

Khi tất cả mọi người đồng lòng thực hiện một hành động, thì hành động đó có khả năng cao sẽ thành công. Giao dịch với Hỗ trợ – kháng cự cũng như vậy, khi tất cả các Trader đều chú ý vào một vùng giá, cùng thực hiện một hành động thì điều đó có khả năng làm thay đổi xu hướng thị trường.

Trong One Piece, Khi Băng Mặt trời (Người cá) chiến đấu với Băng Big Mom để giải cứu Luffy Mũ Rơm, Nami đã nhớ lại:

Khi Người Cá chiến đấu, họ có thể thay đổi cả dòng hải lưu.

Nami – One Piece

Trong năm 2021 chúng ta đã từng thấy Nhóm các nhà đầu tư nhỏ trên Reddit thay đổi Dòng hải lưu của cổ phiếu Game Stop khiến hàng loạt quỹ phải chịu thua lỗ nặng nề. Trong phân tích kỹ thuật, Hỗ trợ – Kháng cự cũng đóng vai  trò thay đổi dòng hải  lưu của thị trường.

3. Những sai lầm của lính mới khi chọn vùng hỗ trợ và vùng kháng cự

Các nhà đầu tư mới ít khi chú ý tới việc lựa chọn và xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự tốt để chọn điểm vào lệnh tỷ lệ xác suất tốt nhất cho giao dịch. Bản thân tôi khi mới bắt đầu giao dịch cũng mắc sai lầm như thế. Sau đó, tôi đã thử vài hệ thống, các chỉ báo, Indicator để giao dịch dựa vào hỗ trợ và kháng cự, và nhận ra rằng tôi đã mất rất nhiều tiền trong những năm qua vì sự lười biếng khi không chịu tìm hiểu và xác định các vùng giá tốt cho chiến lược giao dịch của mình.

Đó cũng là lẽ thường trong tự nhiên bởi con người ai cũng tin vào những gì mình biết, ít khi tự tìm ra điểm mù của bản thân để khắc phục. Nhưng khi đụng tới đồng tiền, và quyết tâm để trở thành một nhà đầu tư, coi nghề Trade Forex, Chứng khoán, Vàng… như là một nghề thì chúng ta cần thực sự nghiêm túc trong việc này. Bằng cách tự tìm ra điểm mù, phân tích lệnh, phân tích biểu đồ và đem nó đi chia sẻ với Cộng đồng tôi từng bước hoàn thiện và hạn chế các lỗi bản thân gặp phải khi giao dịch và cho tỷ lệ Risk:Reward tốt hơn.

Vấn đề là không phải tất cả mọi thứ trong kinh doanh có thể kiểm soát và làm được như lý thuyết. Lựa chọn vùng hỗ trợ và kháng cự tốt là sự kết hợp của các quy tắc cố định, kiến ​​thức về cách hoạt động của thị trường, kinh nghiệm giao dịch và ý thức kỷ luật chung.

Một vấn đề khác mà các nhà đầu tư mới sử dụng hỗ trợ và kháng cự là khi họ lần đầu tiên bắt đầu biết đến hỗ trợ và kháng cự, họ có xu hướng xem mọi đỉnh và mọi đáy như là mức hỗ trợ hoặc kháng cự tiềm năng. May mắn thay, lỗi này rất dễ sửa chữa. (Xem hình dưới)

Sai lầm khi xác định hỗ trợ - kháng cự trong giao dịch
Sai lầm khi xác định hỗ trợ – kháng cự trong giao dịch

Trên thực tế, vào thời điểm bạn đọc xong bài viết này, bạn sẽ có thể tự mình lựa chọn, xác định được:

Tại sao vùng hỗ trợ và kháng cự bạn lựa chọn lại tốt hơn các vùng khác?

Những tín hiệu nào giúp cho vùng hỗ trợ và kháng cự mà bạn chọn lại là vùng tiềm năng hơn các vùng khác?

4. Các tín hiệu xác định Hỗ trợ – Kháng cự tiềm năng

Câu hỏi đặt ra là: Đâu là tín hiệu giúp xác định một vùng hỗ trợ – kháng cự tiềm năng hơn các vùng giá khác?

Để hiểu được câu trả lời cho câu hỏi này, bạn cần biết các vấn đề về dòng tiền, tỷ giá và các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong đó có sử dụng các vùng hỗ trợ và kháng cự như một tín hiệu. Ở đây, tôi muốn nói tới các nhà hoạch định thị trường, các định chế tài chính thực sự ảnh hưởng tới biến động của giá và thay đổi thị trường mỗi ngày vì các cặp tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của một quốc gia như Xuất nhập khẩu chẳng hạn…

Các vấn đề này làm thay đổi cấu trúc của thị trường đáng kể. Và lý do các vùng kháng cự, hỗ trợ trở nên quan trọng là vì chúng có thể đại diện cho một phần về tính thanh khoản trên thị trường.

Các nhà đầu tư dạng lướt sóng thị trường thường lợi dụng các lợi thế từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ (chiếm khoảng 15% thị trường forex). Họ luôn đi sau các khu vực kháng cự và hỗ trợ bởi lẽ ở khu vực này, Họ có những nhà đầu tư có suy nghĩ và hành động về giá đối nghịch với chiến lược của họ.

Lợi thế chính mà họ có qua các nhà đầu tư nhỏ lẻ là họ sử dụng khả năng mua và bán với số lượng lớn trên thị trường để điều chỉnh cung và cầu. Họ thực sự có thể làm cho thị trường di chuyển theo ý muốn của họ.

Ví dụ điển hình cho trường hợp này:

Chúng ta đặt một lệnh Mua – Đánh lên ở vùng Hỗ trợ khi giao dịch Ngoại hối hoặc chứng khoán. 1/2 thời gian giá đi đúng nhu chúng ta mong muốn. Nhưng tới khi chốt lời, thì giá quay đầu đi xuống. Và chúng ta bị thua lỗ trong lệnh đó. Ngay sau khi chạm Stop Loss, giá quay ngược trở lại đi đúng theo những gì chúng ta dự đoán. Và điều đắng cay là CHÚNG TA ĐÚNG – NHƯNG THỜI ĐIỂM SAI.

Đây chính là một ví dụ điển hình cho chúng ta và nếu bạn từng giao dịch trên thij trường tài chính thì có lẽ bạn thường xuyên gặp phải và… vô cùng tức tối!

4.1. Áp dụng thông tin về tính thanh khoản thị trường để chọn vùng kháng cự và hỗ trợ tốt

Vậy làm thế nào bạn có thể sử dụng thông tin này như là một lợi thế để ra quyết định lựa chọn thời điểm vào lệnh chính xác? Nếu bạn biết điểm dừng thực sự của giá, bạn có thể sử dụng các khu vực thanh khoản đáng kể này để tăng tỷ lệ Win của bạn khi vào lệnh.

Bây giờ hãy xem lại biểu đồ với quá nhiều Hỗ trợ – kháng cự được xác định sai cách mà Tôi chia sẻ phía trên:

Sai lầm khi xác định hỗ trợ - kháng cự trong giao dịch
Sai lầm khi xác định hỗ trợ – kháng cự trong giao dịch

Và so sánh với biểu đồ kỹ thuật với Hỗ trợ – Kháng cự được xác định theo vùng:

Vùng Hỗ trợ - Kháng cự tiềm năng
Vùng Hỗ trợ – Kháng cự tiềm năng

Tôi đã đánh dấu vùng hỗ trợ và kháng cự tốt (và các vùng có khả năng thanh khoản), Các con số thể hiện trong hình, tôi sẽ giải thích cho bạn thấy để bạn có thể hiểu quá trình tôi phân tích thị trường thông qua biểu đồ dẫn tới quyết định của tôi khi đặt lệnh.

Trước hết, hai mức quan trọng nhất trên biểu đồ này là KC3 và HT5, HT6

Với các nhà đầu tư dài hạn:

Khi họ đang xác định thị trường giảm giá, họ hoàn toàn có thể dời vùng Stop Loss của họ lên KC3. Và điểm mà họ xác định đặt mục tiêu Take Profit chính là HT5 và HT6.

Khi họ đang xác định thị trường tăng giá, họ hoàn toàn có thể dời vùng Stop Loss của họ xuống phía dưới HT5 và HT6. Điểm mà họ xác định đặt mục tiêu Take Profit chính là KC3.

Điều này có nghĩa là các vùng KC3 và  HT5, HT6 được coi là các vùng có thanh khoản hay còn gọi là  vùng Supply – Demmand.

Ở vùng KC3, sẽ có rất nhiều các nhà đầu tư tham gia vào phe Bear – Bán = Supply – Cung. Ngoài ra tại KC3, hầu hết các nhà đầu tư đánh lên sẽ thực hiện chốt lời khiến cho nhu cầu sụt giảm. Khi Cung Tăng – Cầu Giảm, thị trường có xác suất giảm giá rất nhanh và mạnh

Ở vùng HT5 và HT6 sẽ có rất nhiều các nhà đầu tư tham gia vào phe Bull – Mua = Demmand – Cầu. Ngoài ra, Tại HT5 và HT6 các nhà đầu tư đánh xuống sẽ thực hiện chốt lời khiến cho nguồn cung sụt giảm. Khi Cung Giảm – Cầu Tăng, thị trường có xác suất tăng giá rất nhanh và mạnh

Điều này khiến cho các vùng KC3, HT5, HT6 có xác suất cao hơn rất nhiều so với các vùng khác.

4.2. Phương pháp vẽ vùng hỗ trợ và kháng cự tương đối

Tôi đặt ra một số nguyên tắc khi vẽ – xác định Vùng hỗ trợ – Kháng cự một cách tương đối:

  1. Xác định từ biểu đồ hàng tuần
  2. Điều chỉnh trên biểu đồ hàng ngày
  3. Là các vùng sẽ bao trọn toàn bộ những râu nến ở khu vực đó
  4. Bắt đầu kể từ khi có giá trị
  5. Tự nhiên nhất có thể
  6. Là vùng có phản ứng ngay lập tức khi giá chạm tới

Mời bạn xem chi tiết các vùng Support – Resistance trên biểu đồ kỹ thuật giá vàng hàng ngày dưới đây:

Xác định Hỗ trợ - Kháng cự chính xác nhất
Xác định Hỗ trợ – Kháng cự chính xác nhất

Khi quan sát, chúng ta có thể thấy đó là những vùng cực kỳ nhạy cảm. Ngay khi giá vàng chạm vào các vùng này thì xác suất đảo chiều đến 80%. Hầu hết các vùng đều xảy ra biến động cực mạnh khi tỷ giá cham tới vùng được xác định mà không hề bị phá vỡ.

Để áp dụng tốt các chiến lược đi kèm các vùng Kháng cự và hỗ trợ, tôi khuyên chân thành bạn nên sử dụng các vùng này kèm với các tín hiệu báo hiệu giá sẽ đảo chiều như:

Ngoài ra, khi giá đã phá vỡ đường kháng cự và tạo Đỉnh cao mới (New Overall High) thì bạn có thể sử dụng tín hiệu phân kỳ MACD và các mô hình nến kể trên để dự báo sớm khả năng đảo chiều.

5. Bạn đang sử dụng sự hỗ trợ và kháng cự như thế nào?

Nếu bạn đã và đang mắc phải các lỗi cơ bản dành cho người mới mà tôi liệt kê phía trên khi áp dụng các vùng kháng cự – hỗ trợ thì cách tốt nhất là nên thay đổi và bắt đầu cải thiện vấn đề này.

Các tiêu chí tôi mong muốn bạn chú ý khi áp dụng các đường kháng cự và hỗ trợ trong giao dịch là:

  • Chỉ tập trung các vùng hỗ trợ – kháng cự mạnh.
  • Quan tâm đến chất lượng điểm vào lệnh thay vì số lượng điểm vào lệnh.
  • Lựa chọn các khu vực có tỷ lệ rủi ro thấp, xác suất cao để vào lệnh.
  • Sử dụng các tín hiệu hỗ trợ báo hiệu đảo chiều khác như tín hiệu phân kỳ từ RSI, MACD, hay các mô hình nến báo hiệu đảo chiều sớm (Đặc biệt là Bearish Engulfing).
Nên chọn kháng cự nào giao dịch hiệu quả
Nên chọn kháng cự nào giao dịch hiệu quả

Trong biểu đồ kỹ thuật trên, Tôi đánh dấu 4 vùng Kháng cự quan trọng là KC1, KC2+3, KC4 chúng ta sẽ cùng phân tích:

KC1 – $2075: Đây là vùng chúng ta không thể và không đủ khả năng xác định được vì đó là đỉnh cao nhất của xu hướng tăng. Trong xu hướng tăng, chúng ta không thể mò được đỉnh và chỉ biết đó là đỉnh sau khi nó đã hình thành.

KC2+3: Hai vùng này tương đối nhiễu và không có giá trị trong giao dịch, vì vậy rất khó để xác định, phát hiện và cũng thiếu độ UY TÍN để tham gia các giao dịch. Nếu bạn phân vân, hãy dùng chỉ báo RSI để theo dõi thêm.

KC4 – $1969: Vùng kháng cự này ban đầu cũng nằm trong vùng Sideway ở lần thứ nhất nó thể hiện rõ ràng. Nhưng ở lần thứ hai, khi tỷ giá quay trở lại kiểm tra thì RSI báo Overbought. Đây chính là tín hiệu xác nhận Kháng cự và độ uy tín của KC4. Đồng thời nó cũng báo dấu hiệu Lower High. Vì sau khi tạo đỉnh cao nhất ở KC1 – $2075 (RSI cũng Overbought) thì ở lần thứ 2 xác nhận KC4, RSI cũng Overbought và đồng thời Vùng giá của KC4 – $1969 thấp hơn (Lower High) rất nhiều so với KC1.

Lưu ý quan trọng: Nếu bạn chỉ sử dụng Hỗ trợ và Kháng cự như tín hiệu quyết định 100% điểm vào lệnh của bạn mà không sử dụng các tín hiệu hỗ trợ khác, thì rủi ro sẽ tăng lên vô cùng cao. Hãy chú ý điều này.

6. Khung thời gian nào phù hợp để áp dụng các vùng kháng cự và hỗ trợ tốt?

Trong suốt quá trình giao dịch, Tôi đã đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm khi xác định Hỗ trợ – Kháng cự trên các khung thời gian và nhận thấy:

Thị trường Forex (Ngoại hối) – Vàng – Bitcoin – Hàng hoá phái sinh: Khung thời gian tối thiểu để xác định Support – Resistance Range là 4 giờ. Như vậy bạn có thể xác định trên Timeframe 4 giờ, 1 ngày, 1 tuần

Thị trường chứng khoán cơ sở Việt Nam: Khung thời gian tối thiểu nên xác định là khung 1 ngày. Có thể phân tích trên 3 khung: Tháng – Tuần – Ngày. Khung 4 giờ không hiệu quả vì thực tế Tổng thời gian giao dịch trong 1 ngày cũng chỉ có khoảng 4 giờ mà thôi.

Chọn khung thời gian xác định Hỗ trợ - Kháng cự
Chọn khung thời gian xác định Hỗ trợ – Kháng cự

Trong hình trên, bạn có thể thấy một vài mức kháng cự, trên biểu đồ 1 giờ, có vẻ như chúng có thể là vùng hỗ trợ và kháng cự tốt. Tuy nhiên, khi bạn chuyển sang cùng thời gian trên biểu đồ 1 ngày, các mức này thực tế sẽ biến mất.

Lựa chọn khung thời gian cao hơn (Mn, W1, D1) có thể sẽ làm giảm độ nhiễu tín hiệu của các khung thời gian thấp.

Trong trường hợp khi bạn chuyển sang khung thời gian cao hơn và các vùng Support – Resistance từ khung thời gian thấp vẫn còn giữ nguyên ở khung thời gian cao. Thì đó chắc chắn là một vùng hỗ trợ và kháng cự rất mạnh.

7. Clear Breakout Hỗ trợ – Kháng cự

Chủ đề cuối cùng mà tôi muốn đề cập trong bài viết về Phương pháp lựa chọn vùng hỗ trợ và kháng cự tốt trong giao dịch đó là vấn đề về việc phá cản rõ ràng hay không.

Để hiểu kỹ hơn, Tôi chân thành khuyên bạn nên đọc bài này: Xác định Breakout và Fakeout

7.1. Hỗ trợ chuyển thành kháng cự và kháng cự chuyển thành hỗ trợ

Hỗ trợ chuyển thành kháng cự: Đây là trường hợp khi tỷ giá phá vỡ Hỗ trợ để tiếp tục giảm sâu. Vùng Support bị phá trong quá khứ, tương lai sẽ chuyển thành Resistance

Kháng cự chuyển thành hỗ trợ: Đây là trường hợp mà Tỷ giá phá vỡ Kháng cự để tiếp tục tăng giá. Vùng Kháng cự bị phá trong quá khứ, tương lai sẽ chuyển công năng thành Hỗ trợ.

Kháng cự chuyển thành hỗ trợ
Kháng cự chuyển thành hỗ trợ

Trong minh hoạ phía trên, Bạn có thể thấy liên tiếp Kháng cự chuyển thành Hỗ trợ khi giá liên tục phá đỉnh.

Một trong các vùng giá quan trọng cần chú ý là khi Kháng cự hoặc Hỗ trợ kết hợp với Vùng tròn số – Big Round Number được chia sẻ dưới đây.

7.2. Vùng số tròn – Round number

Hình của mục 7.1. chính là hình ảnh thực tế khi giao dịch  trên thị trường chứng khoán cơ sở Việt Nam với mã cổ phiếu BID – Ngân hàng BIDV

Đỉnh cao nhất: Là kháng cự mới hình thành trong năm 2022 tại mức giá 50.000đ/cp

Đáy thấp nhất: Nằm trong vùng giá 24.000đ/cp được nhìn thấy lần cuối vào tháng 04 năm 2021.

Kháng cự chuyển thành hỗ trợ là vùng giá tròn số 30.000đ/cp và 40.000đ/cp.

  • Trên thị trường chứng khoán, vùng tròn số sẽ rơi vào các vùng giá chia hết cho 5.000đ như 5.000đ. 10.000đ (Mệnh giá), 15.000đ…
  • Trên thị trường Vàng, Vùng tròn số sẽ rơi vào các ngưỡng như $1800, $1900, $2000
  • Trên  thị trường Forex, Vùng Big Round Number sẽ là các ngưỡng như 0.1000, 0.2000, 0.3000, 0.5000…, 0.7000, 0.8000… 1.0000, 1.1000…
  • Đối với Bitcoin, Vùng tròn số sẽ là các vùng chia hết cho $5000

7.3. Phá cản rõ ràng và không rõ ràng

Cản là khái niệm chung cho cả Hỗ trợ và Kháng cự. Chúng ta có hai hình thái là Phá rõ ràng và không rõ ràng.

Trường hợp 1: Breakouts rõ ràng

Minh hoạ với cổ phiếu BID là trường hợp Clear breakout – Phá cản rõ ràng khi giá cổ phiếu BID phá vỡ hoàn toàn vùng kháng cự – Big Round Number tại 40.000đ/cp. Sau khi phá vỡ Resistance cổ phiếu BID gần như không hề quay lại kiểm tra.

Clear Breakout và Messy Break Resistance Range
Clear Breakout và Messy Break Resistance Range

Tín hiệu Breakout là một nến Marubozu Break cực kỳ mạnh mẽ với khối lượng bứt phá, tỷ lệ mua chủ động cực lớn.

Trường hợp 2: Breakouts không rõ ràng

Cùng với cổ phiếu BID, nhưng ở Kháng cự tại 44.000đ, thị trường rung lắc mạnh khiến cổ phiếu BID khi chạm vùng giá này xuất hiện một đợt Chốt lời và biến động nhiều phiên xoay quanh vùng giá này trước khi xuất hiện tiếp một Nến Marubozu xác định Breakout hoàn toàn vùng giá 44.000đ/

Sở dĩ tôi phân biệt hai trường hợp này rõ ràng là bởi vì ở trường hợp thứ nhất phá cản rõ ràng, dù có xuất hiện đảo chiều ngắn hạn thì trong dài hạn, nó vẫn tiếp tục xu hướng cũ (tăng hoặc giảm rõ ràng).

Còn trường hợp 02 phá cản không rõ ràng thì giá sẽ có thể quay ngược lại và đảo chiều. Đây là điểm mấu chốt của Kháng cự và hỗ trợ mà bạn cần lưu ý.

Nên tìm hiểu kỹ: Breakout và Fakeout là gì?

8. Video hướng dẫn xác định Support – Resistance tốt nhất

4.9/5 – (39 bình chọn)

Bảng danh sách giao dịch Chờ thực hiện và đang thực hiện trên Trang tài khoản. Đừng quên Đăng ký kênh Youtube và xem Live Trading miễn phí lúc 21:00 tối chủ nhật hàng tuần. Thảo luận chuyên sâu và cập nhật chiến lược trong tuần tại Kênh Chat Discord.